Đi “bụi” Tiền Giang

Dù đi công tác ở đồng bằng sông Cửu Long khá nhiều, nhưng du lịch bụi ở Tiền Giang thì hầu như đều là lần đầu tiên với những đứa đến từ miền Trung và miền Bắc như chúng tôi.

Đậm chất quê
Về đến xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang vào quãng 8 giờ tối. Hẻm vào nhà dì Sáu, một người quen cho chúng tôi nghỉ chân, hơi khó vì lối đi vào ngõ hẹp với một bên là kênh nước lắp xắp và một bên là hàng rào cây trồng. Tất nhiên là không có đèn đường. Thậm chí hệ thống điện dùng trong gia đình của bà con ở đây cũng rất yếu, nhiều người vẫn còn dùng máy nổ hoặc bình điện sạc.

Căng mắt nhìn đường nhờ đèn pha trên xe máy, chúng tôi cũng vượt qua được đoạn hẻm đầy thách thức mà không bị trượt ra khỏi con đường chỉ dành cho một người đi này. 

Ghe cháo lòng trên chợ nổi.

Căn nhà gạch chưa “vào áo” và những khung cửa sổ chưa có cánh cửa của nhà dì Sáu, nhìn bên ngoài trông giống nhà hoang hơn là nhà đang có người ở. Gian chính và gian phụ phía sau chỉ có một bóng đèn compact nhỏ treo ở một góc, không đủ sức chiếu đều ánh sáng đến mọi góc trong căn phòng.

Bếp thì chỉ có đèn cầy hoặc ánh lửa từ bếp củi đang nấu vài món ăn đón chúng tôi về. Quanh nhà là khoảnh vườn với lối đi ngập nước từ các con rạch quanh nhà. Tất nhiên, nhà dì vẫn có chiếc ao nuôi cá sau bếp và bên bờ ao là chiếc cầu cá mà mọi thành viên trong nhóm chúng tôi đều có cơ hội dùng qua.

Những thiếu thốn vật chất đó hoàn toàn tương phản với sự mến khách và thân thiện của dì, một người dân miền Tây chính hiệu. Cả quầy dừa nhà trồng đã được chặt sẵn để chúng tôi có nước uống khi về tới. 30 phút sau, bàn ăn được dọn ra ngay khoảng sân nhỏ cạnh nhà.

Dì tới lui giúp chúng tôi bày đồ ăn lên bàn, tận tay lấy đồ cho cả nhóm đứng quây quần bên chiếc bàn với nồi cơm nấu bằng bếp củi, nồi cá rô đồng kho tiêu, tô thịt gà kho gừng và món canh rau cải, dì xuýt xoa: “Nhà dì chưa xây xong nên không thoải mái lắm, tụi con thông cảm, cứ ăn uống và nghỉ ngơi tự nhiên, của nhà hết đó”.

Xong bữa tối cũng vào quãng nửa đêm, chúng tôi mang võng, túi ngủ lăn lóc ngủ trên vỉa hè và sạp gỗ ngoài hiên, mấy đứa con gái được ưu tiên vào giường ngủ với dì. Cả nhóm háo hức về kế hoạch vào sáng sớm hôm sau.

Tận mắt với chợ nổi
Trời còn tối thui, thời tiết hơi lạnh, chúng tôi nối đuôi nhau chạy xe đến bến tàu du lịch Cái Bè cách đó 40 phút. Thuê chiếc thuyền chở khách du lịch, chúng tôi lang thang ra chợ nổi Cái Bè quãng 4g30 giữa tiếng ghe máy ồn ào xuôi ngược. Trời chưa sáng, làn sương mỏng là là trên mặt nước, phía xa xa, những ngọn đèn thi nhau nhấp nháy.

Tiếng khua nước của những mái chèo và tiếng người gọi nhau ý ới tại chợ bắt đầu rõ dần. Tàu của chúng tôi dừng ngay ngã ba đối diện cù lao Tân Phong, ở đoạn sông Tiền Giang giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Đoạn sông dài hơn cây số là nơi nhóm họp của một trong những chợ nổi lâu đời miền Tây Nam bộ – chợ nổi Cái Bè. Sách Đại Nam nhất thống chí soạn đời Tự Đức ghi rằng, Cái Bè là nơi buôn bán sầm uất với hàng hoá được chở trên bè xuôi ngược dòng sông từ lâu.

Chẳng ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều ngồi yên quan sát cảnh mua bán trên sông đang dần dần hiện rõ dưới ánh sáng đang hừng lên ở phía chân trời. Những cây cọc buộc những quả bí ngô, củ đậu, hay trái thơm treo lủng lẳng xuất hiện rõ dần ở đầu mũi nhiều chiếc ghe. Ghe bán cùng loại hàng hoá thì neo đậu chung, có lẽ để người mua người bán dễ nhận và tìm kiếm.

Dượng Ba, người lái tàu du lịch cho chúng tôi dùng mái chèo đẩy tàu trôi từ từ dọc chợ nổi. Nhiều ghe thuyền đầy ắp hàng hoá neo dọc hai bên sông, người bán người mua, người chuyển hàng hoá bận rộn, tiếng cười nói vang cả khúc sông.
Chợ nổi có đủ loại hàng hoá được mang từ nơi khác đến như vật dụng, vải vóc, đến gia cầm, thuỷ hải sản… và cũng không thiếu những đặc sản địa phương như bưởi da xanh, nhãn, vú sữa Lò Rèn, khóm Tân Lập, cam quýt Cái Bè...

Tôi ra chỗ trống cuối tàu ráng chụp vài tấm hình chợ nổi ban sớm, dượng Ba hất cằm giải thích: “Thương hồ tại chợ họp từ 3 – 4 giờ sáng kịp đưa hàng hoá đi các tỉnh. Họ mua hàng của bà con rồi đi nơi khác bán. Lúc trời chưa tỏ, họ dùng ánh sáng đèn bình quét dọc quét ngang đón nhà vườn đem hàng ra bán. Nhiều thương hồ chạy căn nhà di động tới đây neo đậu từ chiều hôm trước chờ họp chợ vào sáng sớm hôm sau”.

Thì ra những người buôn bán trên sông này được gọi là thương hồ, cái tên đậm chất sông nước phương Nam và khá lãng mạn với một người đến từ phía Bắc như tôi.

Cháo lòng – ấm lòng
Ăn sáng tại chợ nổi lúc sáng sớm là một điều thú vị mà chúng tôi may mắn được trải nghiệm. Người dân ở đây hẳn quen thuộc với ghe bán cháo lòng của đôi vợ chồng già. Ngày nào cũng vậy, dậy từ 2 giờ sáng nấu cháo mang ra chợ nổi bán mấy chục năm nay, dù chỉ kiếm được tiền lời trên dưới trăm ngàn mỗi ngày.
Cụ ông ngồi phía cuối chèo ghe băng ngang dòng áp sát tàu chúng tôi khi dượng Ba vẫn tay gọi. Bà cụ ngồi giữa ghe cắt gan, lòng heo, rồi múc cháo từ cái nồi đặt trên bếp than tổ ong nhỏ ngay giữa ghe vào tô chuyển cho chúng tôi.

Để chúng tôi lại với những bát cháo nghi ngút hơi, ông bà bơi ghe phục vụ các khách hàng khác đang chờ. Đã nhiều lần ăn cháo lòng nhưng chúng tôi đều đồng ý đây là tô cháo lòng ngon nhất từng ăn. Chẳng biết ông bà có bí quyết gì khi nấu cháo, hay chính vì khung cảnh sông nước và không khí là lạ tại chợ nổi đã khiến cho tô cháo trở nên đặc biệt và ngon hơn.

7 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, các ghe lấy đủ hàng đã toả đi các vùng và hoạt động buôn bán trở lên trầm lắng. Chúng tôi quay trở về chuẩn bị ra vườn giúp dì Sáu thu hoạch rau. Việc duy nhất chúng tôi có thể làm không chỉ để đáp lại sự hiếu khách của dì, mà còn bổ sung hoạt động thú vị cho chuyến du lịch bụi về Tiền Giang dịp cuối tuần.


Cungbandulich.Info
(Theo Dân Việt)