Về Gò Công ăn mực bò Rạch Bùn
written by Lê Khoa
at Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013
Duyên hải Gò Công có bờ biển dài trên 32 km, kể từ vàm Soài Rạp ở phía Bắc đến vàm Cửa Tiểu ở phía Nam. Ngư trường Gò Công là một trong những ngư trường phong phú bậc nhất ven biển Nam bộ với nhiều loài thủy, hải sản thuộc hàng "đặc sản" như tôm sú, tôm tích, cua biển, cá đối, mực, bạch tuộc, nghêu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ... Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã khẳng định lâu nay trong thị hiếu ẩm thực những người sành điệu như nghêu Tân Thành, mực bò Rạch Bùn (Tân Điền), cá ngát Tân Phú Đông...
Mực bò Rạch Bùn.
Tân Điền (Gò Công Đông) tiếp giáp với biển Đông, có tuyến kênh Rạch Bùn đóng vai trò xổ xả mặn, phèn ra biển, cải tạo đất đai, phục vụ sản xuất. Phù sa vàm Rạch Bùn đổ ra biển Đông tạo thành một bãi bồi mênh mông với chiều rộng từ đất liền ra tới khu vực biển sâu đến vài ba km, lâu nay trở thành nơi trú ngụ, sinh sôi của nhiều loại hải sản: cua, cá, mực, các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ... trong đó nổi tiếng nhất là mực bò.
Mực bò về hình dáng giống như bạch tuộc. Sở dĩ có tên mực bò bởi loại mực này sau khi bắt được người ta dưỡng chúng trong các bể chứa có sục khí ô xy nên trước khi đưa lên bàn tiệc vẫn còn "sống nhăn", bò lổm ngổm. Dân sở tại quen gọi mực bò riết thành tên. Mực bò sống ven bờ, đào hang để trú ngụ và sinh sản. Hang mực bò không sâu, chừng 3 đến 5 tấc là cùng nhưng có nhiều ngách, nhiều đường ngang ngõ tắt phòng thoát thân khi có sự biến. Ở ven biển Nam bộ, mực bò ngon nhất chỉ có ở vùng Tân Điền. Độ tháng 10 âl đến tháng 2 âl, khi gió chướng đang lồng lộng thổi cũng là mùa mực bò ôm trứng, chuẩn bị sinh sản - khi đó, mực ngon và ngọt nhất.
Người dân Rạch Bùn bắt mực bò bằng tay. Mỗi ngày, khi con nước giựt ròng, bỏ bãi bồi là lúc bà con rộn rịp đi bắt mực bò. Người ta nhìn bãi, tìm "mà" mực (hình dáng cái miệng hang trú ẩn của mực) nhằm phát hiện nơi mực trú ẩn và bắt chúng. Thông thường, miệng hang mực bò có dấu bùn đùn lên xung quanh, dân địa phương quen gọi là "mà" mực. Bắt mực bò cũng là cả một nghệ thuật. Sau khi phát hiện được "mà" mực, người ta còn phải biết chặn các ngóc ngách để mực bò không có lối thoát.
Theo anh Mười Toàn, chủ cơ sở chuyên thu mua hải sản tươi sống tại Rạch Bùn, ngày trước, vùng này mực bò rất nhiều. Đến khi nước ròng, bà con ra bãi bắt mực bò, trung bình mỗi người sau 5 - 6 giờ lao động có thể bắt được vài kg mực (20 - 30 con). Cá biệt có anh Lê Thành Lâm cư ngụ tại ấp Trung, Tân Điền được khen tặng "kiện tướng" bởi trong vòng một con nước ròng (khoảng 6 giờ) bắt được trên 10 kg mực, khoảng 110 con.
Thời trước, bắt mực bò là nghề tay trái của bà con, chủ yếu cải thiện bữa ăn, dư dã một ít mang ra chợ bán. Ngày nay, nguồn lợi ít đi, mực bò trở thành món cao cấp được các nhà "sành điệu" ưa thích, giá bán cũng tăng vọt, từ 100 ngàn đến 130 ngàn đồng/kg tại Rạch Bùn mà mỗi ngày sản lượng khai thác cũng chỉ chừng 5 - 7 kg là cùng. Mực bò Rạch Bùn luộc giấm, luộc lá me... là những món ngon không thể nào quên. Được thưởng thức mực bò luộc lá me ngay tại Rạch Bùn, nhìn ra một bên là biển Đông với núi Lớn, núi Nhỏ của Vũng Tàu in trên nền trời phía xa xa và những cánh đồng lúa, đồng tôm ngút mắt của duyên hải Gò Công thì còn gì bằng.
Tân Điền liền kề với Tân Thành có khu du lịch biển, bãi nghêu vài ngàn ha, gần các di tích văn hóa - lịch sử Gò Công xưa: Đám lá tối trời cùng lăng và mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, lăng Hoàng gia có mộ thân sinh bà Từ Dũ Thái hậu, lũy Pháo Đài (Tân Phú Đông)...sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch sinh thái biển Gò Công - đặc biệt, là du lịch ẩm thực. Hy vọng rằng không lâu nữa, du khách trong, ngoài nước biết đến một địa chỉ du lịch mới vô cùng hấp dẫn với món mực bò không thể nào quên, tạo thêm sinh khí cho ngành công nghiệp không khói tỉnh Tiền Giang trong tương lai.