Ghé thăm nhà cổ Bình Thủy - Cần thơ
written by Lê Khoa
at Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013
Đặc điểm: Ngôi nhà cổ năm gian hai mái, kiến trúc kiểu Pháp được gia đình họ Dương xây vào năm 1870.
Kiến trúc nhà kiểu Pháp với nền nhà cao hơn mặt sân 1m; có bốn bậc thanh hình cánh cung tao nhã, nối kết nhà với khoảng sân rộng, trần cao, trang trí hoa văn, mở nhiều cửa lớn nhỏ với khung sắt khá đơn giản giúp nhà thông thoáng, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi... Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ - đen lát nền nhà với hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và trở từ Pháp sang. Ðây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hoá cũng như tiến trình phát triển dưới tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân ÐBSCL.
Ðể hội nhập với thiên nhiên, nhà luôn gắn với vườn (vườn chiếm hơn 6.000/8.000m² toàn khuôn viên), rộng bề ngang nhưng không sâu. Hầu hết tiền sảnh để tiếp khách mà không chia thành các phòng nhỏ, có hai cửa hậu thông ra phía sau, sân rộng lát gạch Tầu có đủ hòn non bộ, chậu kiểng, cổng tam quan, khu nuôi thú...
Ngày xưa, người ta xử lý chống mối và giữ độ lạnh trong nhà rất độc đáo, bằng cách rải đều dưới nền hơn 10cm muối hột, không dùng xi măng để xây mà dùng keo o dước, toàn bộ hệ thống vì kèo bao lơn cùng 16 cây cột lớn đường kính 180cm - cao từ 4m đến 6m được nối kết không phải bằng đinh mà bằng mộng - ngoàm; luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu, có trước có sau được gia chủ đặc biệt chú ý. Giữa tiền sảnh, nơi trang trọng nhất dùng để bàn thờ, khán thờ tổ tiên ông bà cùng cặp liễn nên nhũ chữ nổi, sau đó là giường thờ, tủ chè, sập gụ, trường kỷ, cặp thành vọng cao hơn 3m... Tất cả đều do bàn tay của các nghệ nhân Bắc - Trung - Nam tạo ra với kích thước lớn bằng gỗ quý được phủ sơn son thiếp vàng hoặc cần xà cừ, chạm khắc rất tinh tế theo chủ đề sinh hoạt sông nước miền Tây Nam Bộ hoặc: Tam Ða - Tứ Quý, Mai - Lan - Cúc - Trúc, Phúc - Lộc - Thọ, Long - Lân - Quy - Phượng...
Ðặc biệt, ngôi nhà cổ còn chứa trong nó một "kho đồ cổ" quý giá được gìn giữ từ bao đời nay như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm, bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis 15 mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đăng TK18, cặp đèn treo TK19... Thú chơi đồ cổ của gia đình họ Dương đất Bình Thuỷ đã lẫy lừng "lục tỉnh". Vào thập niên 70, chỉ cần bỏ ra 2-3 cây vàng mua được căn nhà lầu giữa phố chợ thì có người trả cho bình thượng ngọc men xanh cao 1,2m những 25 cây vàng, sau khi đã trừ hàng chục cây vì ai đó đã giát vàng quanh miệng bình làm ảnh hưởng đến lớp men!. Ly kỳ hơn là chuyện mua ngà voi trên Sài Gòn những năm 40 rồi vua muối đất Bạc Liêu Trần Trinh Trạch đòi nhượng lại với giá "bao nhiêu cũng được" nhưng họ Dương không chịu bán mà rước về Bình Thuỷ... coi chơi.
Trải trên thế kỷ với bao giông tố thiên nhiên cũng như các cuộc chiến đằng đẵng 30 năm khói lửa, kỳ lạ thay mà cũng may mắn thay ngôi nhà vẫn sừng sững giữa vùng trời đất "địa linh nhân kiệt" cổ nhân Cần Thơ: Long Tuyền - Bình Thuỷ. Ðến nay, ngôi nhà vẫn luôn làm nao lòng biết bao du khách thăm quan: tuổi trẻ như thấy được tiền nhân, tuổi già hoài niệm được quá khứ, kẻ tha phương xa xứ thấy được tiếng vọng của gốc rễ cội nguồn, bè bạn xa thêm hiểu được lịch sử, văn hoá dân tộc!.
Cảnh vật đó cùng chất nghệ sỹ và tấm lòng phóng khoáng cởi mở hiếu khách "rặt" Nam Bộ cũng như sự hiểu biết thông tỏ miệt đất này của chủ nhân mà ngôi nhà đã trở thành một địa điểm du lịch văn hoá quen thuộc đón tiếp hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến thăm mỗi năm. Chủ nhân nhà cổ Bình Thuỷ hiện nay là ông Dương Minh Hiển một cựu chiến binh đã ngoài 60 tuổi.
Cảnh vật đó cùng chất nghệ sỹ và tấm lòng phóng khoáng cởi mở hiếu khách "rặt" Nam Bộ cũng như sự hiểu biết thông tỏ miệt đất này của chủ nhân mà ngôi nhà đã trở thành một địa điểm du lịch văn hoá quen thuộc đón tiếp hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến thăm mỗi năm. Chủ nhân nhà cổ Bình Thuỷ hiện nay là ông Dương Minh Hiển một cựu chiến binh đã ngoài 60 tuổi.
Theo www.vnexplore.net